Sau khi sự nghiệp thể thao chấm dứt, các cầu thủ vẫn còn rất nhiều năm nữa để sống. Họ phải tự chọn cho mình con đường đi, và không nhiều người đạt được ý muốn.
Cuộc sống không bóng đá
Tháng 2/1980, Lễ diễu hành samba ở Rio de Janeiro được trình chiếu trên truyền hình Brazil như hàng năm. Hàng triệu người theo dõi đã bất ngờ khi thấy một gương mặt đã rơi vào lãng quên. Mane Garrincha ngồi lặng lẽ trên một chiếc xe diễu hành, đưa mắt nhìn quanh mà không chú ý đến máy quay, đang tập trung vào một cái gì đó xa xăm.
Lễ diễu hành ấy là khởi đầu cho đêm kỷ niệm trường múa samba Mangueira, thế nhưng nó được nhớ đến nhiều hơn bởi khoảnh khắc Garrincha. Đã phá sản và phải sống bằng tiền trợ cấp, nghiện rượu nặng và khuôn mặt nhợt nhạt, cựu danh thủ Brazil tại World Cup 1958 và 1962 già hơn rất nhiều so với cái tuổi 46 của mình. 3 năm sau, Garrincha qua đời.
Số phận của Garrincha không phải điều gì ngạc nhiên với những ai quen biết ông lâu năm. Nilton Santos từng nói mỗi khi thức dậy là ông lại sẵn sàng để nghe tin người đồng đội cũ qua đời. Xuất thân khó khăn, gần như mù chữ và chỉ biết mỗi đá bóng, Garrincha có một cuộc đời hậu cầu thủ bị hủy hoại bởi rượu và nghèo đói. Chỉ có người ngoài mới không hiểu vì sao một danh thủ vĩ đại như thế lại rơi vào túng quẫn.
Thế nhưng không chỉ có Garrincha, nhiều cựu danh thủ Brazil khác cũng trải qua cuộc sống khổ cực sau khi treo giày. Socrates không trở thành một triệu phú nhờ đá bóng, nhưng ông cũng không nghèo túng vì có bằng y dược. Chỉ có điều, rượu đã cướp đi tính mạng Garrincha thế nào thì nó cũng làm như vậy với Socrates, hệ quả của một cuộc sống nhàm chán hậu bóng đá và mối quan hệ rạn nứt với các con.
Socrates chết vì rượu
Socrates đã có thể chọn một công việc thú vị sau khi giải nghệ. Zico đã đi làm HLV và khá thành công, Falcao với Junior thì đi làm BLV (họ sẽ tiếp tục là BLV ở World Cup sắp tới). Những công việc ấy không rủi ro mà lại được trả rất khá, và Socrates có lấn sân vào lĩnh vực bình luận, nhưng không đều đặn. Khi ông chết, một cuốn sách giả tưởng về World Cup đang được viết dở.
Walter Casagrande dự World Cup 1986 và có sự nghiệp thành công ở Torino trước khi treo giày và nghiện heroin. Năm 2008, Casagrande được lên truyền hình giống như Garrincha nhưng theo một cách hoàn toàn khác, một tai nạn xe hơi xảy ra trong lúc lên cơn vật khiến ông suýt bỏ mạng. Bước ngoặt may mắn ấy đã giúp Casagrande bước vào quá trình cai nghiện mất 5 năm trời. Sắp tới đây ông cũng sẽ là BLV ở World Cup.
Một người khác, Paulo Caju, không may sinh ra trong thời mà Brazil dày đặc danh thủ như Pele, Tostao, Jairzinho… Sự nghiệp của Caju không tệ, nhưng khi thi đấu ở Marseille, ông bập vào rượu và cocaine, những thứ đã đi theo ông trong 3 thập kỷ. Năm 2000, ông đem lòng yêu người chị của một cựu đồng đội ở Botafogo, và người phụ nữ ấy đã giúp ông từ bỏ những thú vui độc hại.
“Chết hai lần”
Cựu danh thủ Falcao, cho dù không hề phải chịu cảnh nghèo hay nghiện ngập, vẫn phải nhờ đến chuyên gia tâm lý sau khi giải nghệ. “Tôi mất phương hướng”, Falcao nói, “bóng đá là thứ đi cùng với tôi cả cuộc đời, nhưng bây giờ tôi phải chọn một con đường khác”.
Perivaldo đi lang thang ăn xin
“Tôi đã chẳng gặp đồng nghiệp nào giải nghệ trong sự vui vẻ. VĐV chuyên nghiệp chết 2 lần, lần thứ nhất là khi anh ta giải nghệ. Sự nghiệp thể thao bao giờ cũng ngắn và khi dừng lại, anh vẫn còn phần còn lại của cuộc đời để lấp, anh vẫn còn phải sống thêm 30 năm nữa để đến cái tuổi mà những người bình thường khác nghỉ hưu. Khi mà thời gian vẫn còn nhiều như thế, anh sẽ bắt đầu lạc đường”.
Ở Brazil, sự nghiệp VĐV được cho là ngắn ngủi và ít triển vọng hơn so với ở nhiều quốc gia phát triển khác. Những VĐV nghiệp dư sẽ không kiếm được nhiều tiền như các VĐV chuyên nghiệp, nhưng bù lại họ có thể chọn con đường mới lâu dài hơn, cho dù cơ hội không nhiều vì họ không phải là sinh viên đại học giống như các VĐV Mỹ.
Với VĐV chuyên nghiệp, câu chuyện trở nên phức tạp hơn. Sự toàn cầu hóa đã giúp các cầu thủ bóng đá và một số môn khác trở nên giàu có. Nhưng ngoại trừ những người khôn ngoan dùng tiền vào những vụ đầu tư ngoài sân cỏ, số còn lại sống hoang phí nên khi giải nghệ họ không biết mình sẽ làm gì. Thậm chí những VĐV càng giàu thì càng sa ngã.
Những cầu thủ bóng đá Brazil ít tên tuổi hơn hứng chịu một số phận khác, phải ra nước ngoài thi đấu để tìm kiếm vận may. Nếu thành công, họ sẽ được trọng vọng hay thậm chí là định cư ở quốc gia đó, nhưng những trường hợp thất bại thì vô kể. Perivaldo, một cựu hậu vệ của Botafogo bỏ sang thi đấu ở Hàn Quốc những năm 1980 trước khi đi tìm cơ may ở Bồ Đào Nha, nhưng rồi một chuỗi các sự kiện diễn ra khiến Perivaldo trở thành một người ăn xin trên đường phố Lisbon. Năm ngoái thân phận của ông mới được phát hiện và Perivaldo được đưa trở về quê hương.
Những cuộc đời sa sút của các cựu cầu thủ không được nêu ra để tạo sự thông cảm (vì nhiều trường hợp là những nỗi đau tự gây ra), tuy nhiên nó đang đánh động vào những mặt xã hội của chính sách làm thể thao ở Brazil. Chính phủ Brazil trong những năm gần đây đã liên tục nhận được những đề nghị từ các nghiệp đoàn vận động viên lẫn các chuyên gia tâm lý, kêu gọi những chính sách trợ giúp các cựu VĐV sau khi họ từ giã sự nghiệp.
Cho đến nay những lời thỉnh cầu ấy chưa được đáp lại. Đó là một vấn đề hiện diện không chỉ ở Brazil mà cả ở những quốc gia đang phát triển. Điều gì sẽ đến khi các cầu thủ bóng đá nữ ở Việt Nam treo giày, khi VĐV của các môn điền kinh nghỉ thi đấu? Thủ môn Kim Hồng vẫn may mắn vì còn có nghề bán bánh mỳ.
Nguồn : 24h.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét